MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN LÀM CHO CÂY CÀ PHÊ RA HOA SỚM Ở TÂY NGUYÊN
1. Tác động của biến đổi khí hậu
Sự thay đổi nhiệt độ không khí theo chiều hướng tăng dần làm cho cây cà phê dễ ra
hoa sớm. So với khoảng 10 năm về trước thì hiện nay thời tiết, khí hậu có nhiều thay
đổi theo chiều hướng bất thuận đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cà
phê nói riêng. Nhiệt độ tăng trung bình từ 0,7 - 1oC làm tăng quá trình tích lũy
hydratcacbon, do vậy làm tăng tỷ lệ C/N của cây cà phê, vì thế cây rất mẫn cảm với
việc phân hóa mầm hoa khi gặp thời tiết nắng nóng và không mưa trong khoảng thời
gian ngắn. Như vậy, trong điều kiện hiện nay, vào mùa mưa, đặc biệt vào các tháng 7,
8, 9 chỉ cần có khoảng thời gian từ 7 – 15 ngày trời không có mưa và nhiệt độ cao
khoảng 30 – 35oC thì cây cà phê có thể tiến hành phân hóa mầm hoa, tăng trưởng mầm
hoa và hình thành nụ hoa và khi gặp những cơn mưa trở lại (khoảng từ 3 mm trở lên)
thì hoa cà phê sẽ nở. Tuy nhiên, trừ trường hợp đặc biệt, tỷ lệ hoa nở vào những thời
điểm này là không cao, chỉ từ 2 – 8% tổng số hoa của cây cà phê để cho vụ thu hoạch
tới.
Quy luật phân bố mưa trong mùa mưa thay đổi làm ảnh hưởng đến ra hoa sớm của cây
cà phê. Có sự thay đổi về lượng mưa và tần suất mưa trong mùa mưa ở Tây Nguyên
thời gian gần đây. Tần suất mưa có xu hướng giảm và thay vào đó là lượng mưa của
những cơn mưa lại có xu hướng tăng cao làm tăng nguy cơ xói mòn đất, giảm hệ số sử
dụng phân bón, do vậy làm tăng khả năng tích lũy hydrat cacbon nên cây cà phê rất dễ
phân hóa mầm hoa khi gặp nắng nóng, khô hạn nhất thời. Hiện tượng khô hạn trong
mùa mưa với thời gian từ 10 - 30 ngày đã từng xảy ra làm cho cây cà phê phân hóa
mầm hoa sớm và hoa sẽ nở khi gặp mưa. Trong mùa mưa nếu gặp 2 đợt hạn (không
mưa) thì cây cà phê cũng có khả năng phân hóa mầm hoa, nở hoa và đậu quả 2 lần gây
khó khăn cho công tác quản lý kỹ thuật cũng như quản lý thu hoạch sản phẩm sau này.
Ngoài ra, khi hoa nở với tỷ lệ cao vào cuối mùa mưa thì cần phải tưới đuổi để đảm bảo
năng suất không bị sụt giảm.
Hoặc bắt đầu mùa khô lại có những cơn mưa nhỏ cũng làm cho hiện tượng ra hoa
không đồng loạt xảy ra. Đối với các đoạn cành đã phân hóa mầm hoa, hình thành chồi
hoa thì hoa sẽ nở; ngoài ra còn có một tỷ lệ cành cà phê chưa kịp phân hóa mầm hoa
và hình thành chồi hoa nên sẽ tiếp tục phát triển nếu có điều kiện khô hạn tiếp tục xảy
ra. Điều kiện thời tiết năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 là những ví dụ điển
hình của sự thay đổi về phân bố mưa ở Tây Nguyên.
2. Tuổi cà phê có ảnh hưởng đến khả năng ra hoa sớm của cây
Tuổi cà phê càng già thì quá trình tích lũy C/N càng cao và do vậy cây rất dễ phân hóa
mầm hoa trong điều kiện nhiệt độ cao và có thời gian khô hạn ngắn so với cà phê trẻ
đang sung sức.
Như vậy trong điều kiện thời tiết khí hậu như hiện nay, các vườn cà phê già cỗi dễ xảy
ra tình trạng ra hoa sớm hơn so với các vườn cà phê đầu thời kỳ kinh doanh.
3. Ảnh hưởng của quá trình canh tác có liên quan đến tình trạng ra hoa sớm
của cây cà phê
3.1. Trồng cà phê không có cây che bóng có ảnh hưởng đến hiện tượng ra hoa
sớm
- Trồng cà phê không có cây che bóng đã làm tăng cường độ chiếu sáng, quá trình
chuyển hóa hydrat cacbon diễn ra mạnh mẽ (C/N cao) nên cây rất dễ phân hóa mầm
hoa khi gặp thời tiết khô hạn trong mùa mưa và nở hoa khi gặp cơn mưa với lượng
mưa từ trên 3 mm. Trường hợp lượng mưa thấp (< 20 mm) thì cần phải tưới đuổi để
đảm bảo duy trì năng suất thu hoạch. Do trồng trần nên thường tỷ lệ ra hoa sớm cũng
thường khá cao, có khi lên đến 30% tổng lượng hoa cà phê. Điều này làm ảnh hưởng
đến công tác quản lý kỹ thuật cũng như quản lý thu hoạch sản phẩm.
- Các kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng vườn cà phê có trồng cây che bóng với
mật độ thích hợp có tác dụng điều hòa tiểu khí hậu trong vườn, đồng thời cũng hạn chế
quá trình chuyển hóa hydrat cacbon nên tỷ lệ C/N không cao giúp cây cà phê tăng
cường sức đề kháng đối với quá trình sốc nhiệt tạm thời (nắng nóng và không mưa
trong thời gian ngắn). Vì vậy cây cà phê không thể phân hóa mầm hoa sớm trong mùa
mưa. Từ đó giúp cho cà phê ra hoa tập trung hơn khi có điều kiện thời tiết, khí hậu
thích hợp (nắng nóng và không mưa kéo dài từ 1 đến 2 tháng).
3.2. Bón phân mất cân đối có ảnh hưởng đến hiện tượng ra hoa sớm
Bón phân mất cân đối làm cho cây cà phê sinh trưởng và phát triển bị hạn chế cũng
làm tỷ tỷ lệ C/N trong cây và do vậy cây dễ mẫn cảm với tình trạng sốc nhiệt và không
mưa mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn, cây cà phê phân hóa mầm hoa và nở hoa khi
có mưa trở lại trong mùa mưa. Thực tế trong sản xuất rất dễ nhận thấy rằng các vườn
cà phê sinh trưởng kém, cây còi cọc thường hay ra hoa sớm trong mùa mưa so với các
vườn cà phê được bón phân hợp lý, cân đối cây sinh trưởng khỏe, xanh tốt.
3.3. Cắt cành không kịp thời và không đúng kỹ thuật cũng làm cho cây cà phê
ra hoa sớm
Thực tế hiện nay do việc cắt cành cà phê chưa đúng kỹ thuật, có rất nhiều cành có 3
đoạn cành với các giai đoạn sinh trưởng phát triển khác nhau, đó là đoạn cành đã thu
hoạch (già cỗi), đoạn cành đang mang quả và đoạn cành sẽ cho quả vào vụ tới. Những
đoạn cành này có tỷ lệ C/N rất cao; đặc biệt là trên các cành có đoạn cành mang quả
nhiều, nên thường dễ phân hóa mầm hoa khi gặp cường độ chiếu sáng cao và không
mưa chỉ một thời gian ngắn. Trong cùng một điều kiện nhiệt độ, thời gian chiếu sáng
và thời gian không mưa như nhau thì các cành có 2 đoạn cành hay chỉ là cành dự trữ
khỏe mạnh thì các loại cành này thường có thời gian phân hóa mầm hoa muộn hơn và
đòi hỏi thời gian chiếu sáng dài hơn, thời gian khô hạn dài hơn.
Việc cắt cành cà phê muộn cũng làm cho cây cà phê tích lũy C/N với lượng cao, do
vậy rất dễ phân hóa mầm hoa, ra hoa sớm khi có thời gian sốc nhiệt xảy ra, mặc dù chỉ
khoảng 7 – 15 ngày.
Như vậy việc tỉa cành đúng kỹ thuật, đúng thời điểm cây cà phê sinh trưởng khỏe hơn
có khả năng vượt qua các cơ sốc nhiệt xảy ra trong thời gian ngắn và chỉ phân hóa
mầm hoa khi điều kiện khô hạn kéo dài thưởng xảy ra sau khi thu hoạch.
3.4. Các nguyên nhân khác
Vườn cà phê bị sâu bệnh hại tấn công không phòng trừ kịp thời (bệnh vàng lá thối rễ,
nứt thân, rệp sáp....), cây cà phê cong rễ thường có tỷ lệ C/N cao nên dễ bị phân hóa
mầm hoa khi xảy ra sốc nhiệt do nắng và không mưa.
Tưới sớm khi cây cà phê phân hóa mầm hoa chưa đầy đủ, chồi hoa ít làm cho cây cà
phê nở hoa rải rác (thực tế trên những đoạn cành có tỷ lệ C/N cao khi gặp khô hạn
trong thời gian ngắn đã phân hóa mầm hoa và phát triển thành chồi hoa nếu không tưới
thì các chồi hoa này vẫn ở dạng ngủ nghỉ và khi tưới thì số hoa này sẽ được nở; trong
khi đó các đoạn cành khác sinh trưởng khỏe thì thời gian khô hạn ngắn nên chưa đủ
điều kiện để phân hóa mầm hoa). Việc xác định thời điểm tưới đúng cho cà phê là hết
sức cần thiết để đảm bảo cho cây ra hoa tập trung, nở hoa đồng đều, tỷ lệ đậu quả cao
và đạt được năng suất cao. Thông thường, thời gian khô hạn cần để cây cà phê phân
hóa mầm hoa, hình thành chồi hoa từ 1 đến 2 tháng tùy điều kiện thời tiết, khí hậu.
Ngoài ra, các tác động cơ giới như xén rễ, tạo vết thương ở thân chính cũng làm cho
cây hình thành tỷ lệ C/N cao nên cây cà phê cũng rất dễ ra hoa, đậu quả sớm trong
mùa mưa nếu như có đợt hạn tức thời và cường độ chiếu sáng cao.
III. GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG CÀ PHÊ RA HOA SỚM
1. Duy trì hệ cây che bóng, hoặc trồng bổ sung cây che bóng, cây trồng xen
(bơ, sầu riêng) trong vườn cà phê
Trồng cây che bóng có tác dụng điều hòa tiểu khí hậu trong vườn cà phê, giảm ánh
sáng trực xạ, giảm bốc thoát hơi nước của cây và của mặt đất nên ít chịu tác của hiện
tượng sốc nhiệt khi gặp hạn hán tức thời. Ngoài ra, do tác dụng tích cực của hệ thống
cây che bóng trong việc điều chỉnh tỷ lệ C/N ở mức thích hợp nên hiện tượng phân hóa
mầm hoa sớm trong những giai đoạn hạn tức thời của mùa mưa thường ít xảy ra. Giải
pháp Trồng cây che bóng tuy đơn giản, song có vai trò đặc biệt quan trọng trong bối
cảnh biến đổi khí hậu ngày càng xảy ra rõ ràng hơn. Trong mùa mưa, nếu có những
đợt hạn ngắn, cà phê vẫn sinh trưởng bình thường do cường độ chiếu sáng tăng không
đáng kể để cây cà phê có thể tăng tỷ lệ C/N; mặc khác cây che bóng có tác dụng tốt
trong việc duy trì, kéo dài độ ẩm đất ở mức khá thích hợp nên không gây tình trạng sốc
hạn để phân hóa mầm hoa sớm.
Tuy nhiên, nếu mật độ cây che bóng cao hơn 100 cây/ha thì sẽ ảnh hưởng đến năng
suất vườn cà phê do cây cà phê không nhận được ánh sáng đầy đủ để đảm bảo các quá
trình sinh lý, sinh hóa diễn ra thuận lợi cho việc phân hóa mầm hoa khi mùa khô hạn
xảy ra sau khi thu hoạch.
2. Bón phân cân đối, hợp lý
Bón phân hợp lý, cân đối giúp cây sinh trưởng khỏe góp phần trong việc điều chỉnh tỷ
lệ C/N ở mức phù hợp trong mùa mưa nên có thể ít chịu ảnh hưởng của các đợt hạn
ngắn, vì vậy hạn chế được hiện tượng ra hoa sớm.
Đối với vườn cà phê có cây che bóng với mật độ hợp lý, cùng với chế độ bón phân cân
đối, hợp lý thì ảnh hưởng của các đợt hạn ngắn trong mùa mưa sẽ không làm cho cà
phê phân hóa mầm hoa sớm. Khi có thời gian khô hạn kéo dài phù hợp thì cây cà phê
sẽ phân hóa mầm hoa đồng loạt hơn và hoa sẽ nở tập trung khi được cung cấp nước
đầy đủ.
3. Tạo hình, tỉa cành đúng kỹ thuật
Tạo hình, tỉa cành hợp lý, đúng kỹ thuật, đúng thời điểm giúp cây có bộ tán cân đối, hệ
thống cành dự trữ khỏe mạnh sẽ giúp cây ít bị ảnh hưởng bởi các đợt hạn ngắn trong
mùa mưa, vì vậy hạn chế được tình trạng ra hoa sớm. Khi có điều kiện thuận lợi (khô
hạn dài từ 1 - 2 tháng) thì cà phê sẽ phân hóa mầm hoa đầy đủ, tập trung, khi tưới nước
sẽ giúp hoa nở đồng loạt, có khi lên đến 80 - 90%.
4. Tưới nước đúng thời điểm
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong mùa mưa thường xuất hiện các đợt hạn ngắn
nên có một tỷ lệ nhất định số đoạn cành già cỗi, cành mang nhiều quả có tỷ lệ C/N cao
nên có thể xảy ra quá trình phân hóa mầm hoa, hình thành chồi hoa. Trên vườn cà phê
vẫn còn một tỷ lệ cành, đoạn cành còn đang sung sức, chưa có biểu hiện phân hóa
mầm hoa do thời gian khô hạn chưa đủ dài. Nếu tưới vào giai đoạn này thì tỷ lệ nở hoa
sẽ rất ít, rải rác và do đất đủ ẩm kéo dài nên dẫn đến việc kéo dài thời gian phân hóa
mầm hoa hoặc sẽ không phân hóa mầm hoa được do sinh trưởng dinh dưỡng chiếm ưu
thế. Trong trường hợp này, chúng ta đừng nôn nóng mà lợi dụng đặc tính sinh lý của
cây cà phê là khi phân hóa mầm hoa thành chồi hoa, nếu thời tiết tiếp tục khô hạn thì
chồi hoa bước vào thời kỳ ngủ nghỉ; trong khi đó số cành, đoạn cành còn lại tiếp tục
phân hóa mầm hoa. Đợi đến khi hoa cà phê đạt được độ lớn nhất định (dài hoa từ 1 -
1,5 cm), có màu trắng ngà hoặc trắng sữa, lá héo vào ban ngày (độ ẩm đất khoảng
27%) thì tưới nước cho cà phê là đúng thời điểm; tỷ lệ hoa nở sẽ rất cao khoảng 80 -
90%, tập trung do vậy thuận lợi cho việc thu hoạch và chăm sóc sau này.
5. Tình huống cần tưới đuổi
Không phải trường hợp nào cũng phải tưới đuổi cho cà phê sau khi nở hoa mà lượng
mưa chưa đảm bảo (< 20 mm). Các trường hợp nở hoa vào cuối và gần cuối mùa mưa
với tỷ lệ hoa nở không cao, khoảng từ 1% đến 10% (do ảnh hưởng của hiện tượng sốc
nhiệt tức thời, các đoạn cành cà phê già cỗi, tỷ lệ C/N cao phân hóa mầm hoa, hình
thành chồi hoa và gặp mưa thì nở hoa). Theo các kết quả nghiên cứu của WASI,
trường hợp nở hoa sớm với tỷ lệ nở hoa không đáng kể (< 10%) thì không cần tưới
đuổi. Nếu sau khi nở hoa, lượng nước cung cấp không đủ, quả sẽ bị rụng và tỷ lệ quả
rụng này sẽ được bù đắp thông qua quá trình tự điều chỉnh sinh lý rụng quả của cây.
Thông thường, tỷ lệ rụng quả sinh lý của cây cà phê lên đến 40 - 50%. Nếu số quả trên
chùm, trên cây càng nhiều thì tỷ lệ rụng quả sinh lý càng cao, số quả ít hơn sẽ có tỷ lệ
rụng sinh lý ít hơn. Các đợt hoa cà phê nở sớm vào giữa mùa mưa, thậm chí cuối mùa
mưa có tỷ lệ thấp, không cần phải quan tâm. Nếu tưới đuổi thì phải tưới nhiều lần, do
vậy có thể ảnh hưởng đến khả năng phân hóa mầm hoa của cây cà phê sau này do sinh
trưởng dinh dưỡng chiếm ưu thế.
Việc tưới đuổi cần quan tâm khi đợt nở hoa sớm rơi vào cuối mùa mưa và sau thu
hoạch với tỷ lệ hoa nở trên 10%. Lưu ý cần tưới với lượng nước vừa phải và chỉ tưới 1
lần để đảm bảo quá trình phân hóa mầm hoa tiếp tục diễn ra thuận lợi trong mùa khô
hạn. Việc tưới đuổi nhiều lần càng dễ gây nên hiện tượng hoa nở rải rác, ảnh hưởng
đến thu hoạch và năng suất. Ngoài ra việc tưới đuổi nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến việc
phân hóa mầm hoa của cây cà phê ở những năm sau và hiện tượng ra hoa sớm, nhiều
đợt lại tiếp tục xảy ra./.
Viện Khoa học kỹ thuật NLN Tây Nguyên
Nguyên nhân và giải pháp khắc phục cây cà phê ra hoa sớm
Bài viết mới nhất
Khoai tây đông thường được bố trí trên chân đất 2 vụ lúa (lúa đông xuân + lúa mùa + khoai tây đông). Để cây khoai tây sinh trưởng tốt, năng suất cao thì cần bố trí trồng trên các chân đất vàn, vào cao; đất có độ tơi xốp, thuận tiện trong việc tưới tiêu và thoát nước tốt
Chi tiếtBí ngô (bí đỏ) là cây dễ trồng, ngoài trồng lấy quả, người ta còn dùng ngọnnon làm nguồn rau xanh rất tốt. Trong những năm gần đây, ở một số địaphương bà con nông dân trồng bí ngô chuyên khai thác lấy ngọn làm rau xanhđưa lại hiệu quả kinh tế rất cao, gấp 3 - 4 lần so với trồng lấy quả
Chi tiếtĐể nâng cao năng suất, chất lượng quả và hiệu quả sản xuất cây có múi, cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật. Tiếp theo kỳ 1, Ban biên tập xin giới thiệu đến độc giả các tiến bộ kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất cây ăn quả có múi:
Chi tiếtTrong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cây ăn quả có múi nói riêng, để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả vườn cây, ngoài yếu tố giống thì các biện pháp kỹ thuật đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Chi tiết